Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Truyền thống

Khẩu Sli là món ăn truyền thống trong dịp lễ, Tết cổ truyền của người Tày, Nùng. Khẩu Sli tiếng địa phương có nghĩa là bánh gạo nếp nổ hay còn gọi là bánh bỏng có chứa lạc. Để bánh Khẩu Sli trở thành sản phẩm có giá trị hàng hóa cao của quê hương Cao Bằng, từ năm 2006, Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng có chủ trương đầu tư để xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm Khẩu Sli và thống nhất đặt tên cho sản phẩm là “Khẩu Sli Nà Giàng”. Được sự quan tâm, hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng, Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho sản phẩm “Khẩu Sli Nà Giàng”. Tháng 2/2007, Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng chính thức công bố, nhãn hiệu “Khẩu Sli Nà Giàng” có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2020, bánh Khẩu Sli Nà Giàng đã được chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Bánh được chế biến theo công thức cổ truyền, từ các nguyên liệu sẵn có của địa phương như gạo nếp, lạc, đường mật và được sản xuất theo phương pháp thủ công gia truyền với các công đoạn khác nhau như: đồ xôi nếp, giã, trộn đường phên, rải lạc… Sau khi chế biến, hai lớp bánh dính chặt lấy nhau, ăn giòn tan, lại có vị ngọt của đường phên, vị thơm của bỏng gạo và vị bùi của lạc. Đối với người dân địa phương, Khẩu Sli từ bao đời nay thật sự trở thành một loại bánh truyền thống để làm quà, mời khách khi đến nhà. Ngày Tết truyền thống, cùng với bánh chưng, bánh khảo thì không thể thiếu vài phong bánh Khẩu Sli trên bàn thờ tổ tiên.

Lễ hội Lồng tồng hay còn gọi là lễ xuống đồng, là một lễ hội lớn nhất vào dịp đầu năm mới. Lễ được tổ chức tại các bản làng với mục đích cầu cúng thần nông, chính là vị thần cai quản vườn tược, ruộng đồng, gia súc và làng bản cho cây cối được xanh tươi, mùa màng bội thu, gia súc không ngừng sinh sôi, mọi người dân có cuộc sống no ấm, bản làng yên bình. Lễ hội của đồng bào dân tộc Tày - Nùng tại tại xã Ngọc Đào diễn ra từ ngày mồng 2 đến ngày 30 tháng Giêng âm lịch, với mục đích mở mùa gieo trồng mới (tùy theo từng địa phương).

Hội được chia thành 2 phần: Phần lễ có tạ lễ thiên địa, lễ cầu thần Nông, thần Phục Hy phù giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng được bình yên, no ấm... Khi tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên cũng là lúc lễ hội bắt đầu, các bô lão của bản và các tráng đinh sẽ rước Thành Hoàng và Thần Nông từ đình ra thửa ruộng, còn các hộ gia đình sẽ rước các mâm cỗ để bày ra trên bãi hội. Tiếp theo, người chủ trì sẽ hội xướng bài mo cúng chư thần, sau đó tuyên bố phá cỗ. Gia đình nào có mâm cỗ thịnh soạn nhất và mời được nhiều khách xem hội đến thưởng thức mâm cỗ nhà mình thì được xem là điều may mắn, cả năm làm gì cũng được thuận lợi. Sau khi phá cỗ xong, mọi người lại tiếp tục ca hát và tham gia nhiều trò chơi dân gian như: ném còn, cướp còn, đánh quay,  kéo co, đánh yến, múa sư tử, múa võ, đánh đu, múa lân, múa giáo, thi sản vật địa phương, bịt mắt bắt dê, hát giao duyên (hát lượn), cờ tướng … Ném còn là trò chơi ý nghĩa nhất, vui nhất và rất đông người tham gia, bởi người dân nơi đây quan niệm rằng, trong ngày hội phải có người ném được quả còn ngũ sắc xuyên qua điểm hồng tâm thì bản làng năm đó mới làm ăn thuận lợi. Gái, trai sẽ chia thành hai phe để hát sli, lượn, đây là hai hình thức hát đối ca giao duyên giữa nam và nữ, thể hiện cho tục cầu mùa. Trò chơi kéo co là cuộc đua sức giữa các cô gái, chàng trai Tày, Nùng với tính chất cầu mùa, cầu nước, cầu mưa giống như một nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp đã có từ lâu đời. Đặc biệt là các điệu hát Sli (Nùng), Lượn (Tày) đã rất quen thuộc sẽ được biểu diễn một cách rất tự nhiên trong làng, ở các khe suối hay những cánh rừng.

Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Tày. Xóm Luống Nọi là làng nghề duy nhất còn nguyên bản về kỹ thuật, công cụ dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Đây là một trong những điểm di sản văn hóa nằm trên tuyến phía Bắc trong “Hành trình về nguồn cội” của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận. Trong xóm có gần 30 khung cửi của các gia đình dân tộc Tày. Từ các màu chủ đạo xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen, người dệt pha chế các gam màu đậm, nhạt phù hợp theo ý tưởng cho từng sản phẩm. Mẫu thổ cẩm có hơn 20 loại hoa văn, họa tiết khác nhau như: hoa lê, hoa mận, hoa đào, hoa mai và các loại hoa lạ trong rừng chỉ có ở miền núi (bjoóc chắm, bjoóc kíp, bjoóc tròn, bjoóc pắt…) và một số muông thú hươu, nai, ngựa, chim, bướm… Đây là nét riêng tạo nên bản sắc cho thổ cẩm của đồng bào Tày ở Ngọc Đào nói riêng, Cao Bằng nói chung. Kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống bao gồm các công đoạn quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải. Nét độc đáo trong dệt thổ cẩm của người Tày ở Cao Bằng không phải dệt từ mặt phải mà là tạo hoa văn trên mặt trái. Từ những tấm thổ cẩm do mình tự tạo, người phụ nữ may mặt chăn, mặt địu, khăn trải giường và những bộ trang phục đặc sắc. Công cụ máy móc để dệt ra sản phẩm hoàn toàn bằng tre gỗ tự nhiên vô cùng thô sơ do chính người dân tạo ra.

Trên địa bàn xã Ngọc Đào có các di tích lịch sử văn hóa theo tiếng dân tộc địa phương gọi là Slấn gồm: Slấn Đông Gường, Slấn Nà Mạ, Slấn Khỉ Vài, Slấn Gần Gù, Đông Slấn, Slấn Nả Lỏng, Slấn Bó Mênh. Trừ Slấn Khỉ Vìa không có nhà để thờ, còn lại đều làm bằng vật liệu gỗ hoặc xây gạch đá để thờ. Mỗi Slấn đều có cây đại thụ. Hiện nay, Slấn Khỉ Vài, Slấn Gần Gù, Slấn Nà Lỏng không còn di tích. Trước đây, nhân dân xây dựng Slấn tổ chức cũng lễ từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch hằng năm nhằm mục đích cầu mưa thuận gió hòa, cầu mùa không có sâu bệnh phá hoại, cầu may cho cuộc sống. 

 

 

Tin khác
Tin tức
Đăng nhập