Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Điều kiện tự nhiên và quá trình hình thành

Xã Ngọc Đào thuộc phía Đông Nam của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm huyện 10km. Xã có địa giới hành chính: phía Đông giáp các xã Hồng Sỹ, Mã Ba, Thượng Thôn; phía Tây giáp xã Dân Chủ (huyện Hòa An); phía Nam giáp xã Nam Tuấn (huyện Hòa An); phía Bắc giáp thị trấn Xuân Hòa.

Ngọc Đào là xã có diện tích và dân số lớn nhất trong các xã của huyện, ở vị trí cửa ngõ, giáp ranh nhiều xã của huyện Hà Quảng và huyện Hòa An. Trên địa bàn có tuyến đường Hồ Chí Minh, đường tỉnh 214, đường huyện, đường liên xã nối liền với các xã, huyện xung quanh, do đó thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị. Đồng thời, xã có hệ thống đường giao thông liên xóm thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân cũng như vận chuyển hàng hóa từ các xóm.

Thuộc vùng đồng bằng của huyện nên địa hình của xã tương đối bằng phẳng. Trên địa bàn có các ngọn núi như Phja Mạ, Pác Khoang, Khau Rục, Tềng Khoen. Tổng diện tích tự nhiên là 39,68km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp 3682,65ha, đất phi nông nghiệp 262,79ha, đất chưa sử dụng 22,59ha. Đất đai gồm có các loại như: đất feralit nâu đỏ, đỏ, xám và đất phù sa là các loại đất thích hợp phát triển cây trồng như thuốc lá, đậu tương, lạc, ngô, lúa…

Xã nằm trong vùng chịu sự ảnh hưởng của khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa và gió mùa Đông Bắc. Nắng nóng từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 9 hằng năm. Khí hậu thay đổi theo từng mùa rõ rệt, rét từ tháng 10 đến tháng 02 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm cao nhất là 39oC, thấp nhất dưới 10oc. Độ ẩm cao nhất là 80 - 90%, thấp nhất 40%. Độ ẩm trung bình cả năm là 68%. Lũ lụt thường xảy ra vào tháng 6,7,8 hàng năm; sương mù từ giữa tháng 9 năm trước đến đầu tháng 3 năm sau. Thời tiết diễn biến phức tạp, hng năm xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại, hạn hán kéo dài, mưa cục bộ, gió lốc, sương muối, mưa bão, lũ quét… ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và thiệt hại về hoa màu, tài sản.

Nguồn nước chính phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân là hệ thống suối (Nậm Thang, Khuổi Rẳng, Nậm Thong), hồ (Bản Nưa) và hệ thống ao hồ. Do địa hình dốc, chia cắt nên khả năng giữ nước hạn chế, mặt khác nguồn nước mặt phân bố không đều trên lãnh thổ, dẫn đến nhiều khu vực vùng cao thường thiếu nước vào mùa khô. Nhân dân trên địa bàn thường có câu “Ngàn Lẹng”, ý nói sự khan hiếm về nước.

Diện tích rừng của xã là 2.986,25ha, trong đó đất rừng sản xuất có 853,44ha, đất rừng phòng hộ 2.132,81ha. Tỷ lệ che phủ rừng 56%. Thảm thực vật tự nhiên có trữ lượng không cao, phân bố không đều, các vùng rừng tập trung chủ yếu ở những nơi hiểm trở. Các quần thể thực vật ở xã phân bố theo các độ cao khác nhau, trữ lượng gỗ rất nhỏ.

Nhìn chung, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi để xã Ngọc Đào tập trung phát triển nền kinh tế nông nghiệp với cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng kết hợp với phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và hoạt động thương mại, dịch vụ; đồng thời mở rộng quan hệ giao lưu, trao đổi với các địa phương khác trong và ngoài huyện.

Trải qua các thời kỳ, cùng với sự biến thiên của lịch sử dân tộc, xã Ngọc Đào có sự thay đổi nhiều lần về địa giới hành chính và tên gọi.

Thời kỳ Lý, Trần, vùng đất xã Ngọc Đào ngày nay thuộc châu Thạch Lâm. Khoảng cuối năm 1893, thực dân Pháp tổ chức lại các đơn vị hành chính: tách các tổng Tràng An, Phù Đúng, Trà An, Hà Quảng và tổng Thông Nông của huyện Thạch Lâm, lập thành châu Hà Quảng gồm các xã: Hà Quảng, Quảng Trù, Minh Luân, Xuân Trù, Sóc Hồng, Nà Sác, Phồn Đông, Hà Gian, Phù Đúng, Ngọc Phô, Đào Ngạn, Phù Tang, Trường Hà, Hòa Mục, Xuân Nông, Xuân Đào, Kim Phố, Cảnh Biên, Lũng Luông, Kéo Đắc, Thôn Nậm, Nhũng Lũng, Lập An, Thông Nông, Thông Sơn, Lạng Năng, Đa Năng, Lạng Y, Trọng Khôn, An Dương, Lang Cơn, Bình Lãng và thông Cáp Nà. 

Tin mới


Đăng nhập